Tín dụng ngân hàng là quan hệ tín dụng giữa ngân hàng, các tổ chức tín dụng
khác (bên cho vay) với các doanh nghiệp và cá nhân (bên đi vay), trong đó bên cho
vay chuyển giao tài sản cho bên đi vay sử dụng trong một thời hạn nhất định theo
thỏa thuận, bên đi vay có trách nhiệm hoàn trả vô điều kiện vốn gốc và lãi cho bên
vay khi đến hạn thanh toán.
Theo Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 được Quốc hội khóa 12 ban
hành ngày 16/6/2010 định nghĩa:
“Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền
hoặc cam kết sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản
tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài
chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác” .
1.1.2.2. Bản chất của tín dụng ngân hàng
Từ khái niệm tín dụng ở trên, bản chất của tín dụng là một giao dịch về tài sản
trên cơ sở hoàn trả và có các đặc trưng sau :
Tài sản giao dịch có thể là tiền (tiền mặt hay bút tệ), tài sản thực như bất động
sản hay động sản. Tài sản giao dịch là bút tệ là hình thức tín dụng chủ yếu và đây
cũng là nét đặc trưng của tín dụng ngân hàng mà không có ở các hình thức tín dụng
khác. Ngân hàng có thể cho vay bằng tài sản, đây là một sản phẩm kinh doanh của
ngân hàng, hình thức của cho thuê tài chính và cho thuê hoạt động.
Xuất phát từ nguyên tắc hoàn trả, người cho vay khi chuyển giao tài sản cho
người đi vay phải có cơ sở tin tưởng rằng người đó sẽ trả đúng hạn. Tức là quan hệ
tín dụng luôn dựa trên sự tin tưởng, đây là yếu tố quan trọng nhất của quan hệ tín
dụng. Trong khi đó, sự tin tưởng này là một khái niệm trừu tượng, vô hình, không
thể cân đong, đo đếm được. Do đó, đòi hỏi người cho vay phải xem xét thận trọng,
đo lường chính xác bằng các công cụ định lượng. Thông thường nguyên nhân người
đi vay không trả nợ đến từ nguyên nhân khách quan và chủ quan, hoặc khách hàng
muốn trả nợ nhưng không có khả năng trả, hoặc không muốn trả mặc dù có khả
năng.
Giá trị hoàn trả phải lớn hơn giá trị cho vay ban đầu, có nghĩa là người đi vay
phải trả thêm phần lãi. Để có được điều này thì lãi suất thực trong nền kinh tế phải
dương. Trong đó, lãi suất phải bao gồm tất cả các chi phí huy động vốn, đủ bù đắp
các chi phí quản lý và thực hiện vốn vay, trang trải được các loại rủi ro và phải có
thặng dư để chia lãi cho cổ đông.